Lời chào hỏi khi gặp nhau là một trong những hành vi cơ bản của việc giao tiếp. Có thể nói, lời chào hỏi chính là cách gây thiện cảm với mọi người, đặc biệt khi đi kèm với một nụ cười thân thiện thì sức mạnh của lời chào càng được nhân lên. Thử tưởng tượng, vào đầu giờ buổi sáng, khi bước vào phòng làm việc, bạn lặng lẽ đến bàn làm việc của mình và cặm cụi làm việc đến cuối buổi lại lặng lẽ ra về thì không khí xung quanh sẽ như thế nào nhỉ? Sẽ rất nặng nề đấy bạn ơi. Thay vào đó, bạn tươi cười chào hỏi mọi người khi bước vào phòng làm việc thì không khí trong phòng trở nên tươi vui hơn, mọi người cảm thấy thân thiện với nhau hơn.
Nội dung của văn hóa ứng xử nơi công sở tương đối rộng, bao gồm các khía cạnh như chào hỏi, trang phục, cách phát ngôn, việc nghe và nhận điện thoại và phong cách làm việc ở nơi công sở.
Trước hết, văn hóa ứng xử nơi công sở thể hiện ở cách thức chào hỏi.
- Ông bà ta có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, và bao đời nay lời chào trở thành nét đẹp văn hóa trong giao tiếp của người Việt Nam. Khi con trẻ nói lời bập bẹ, người lớn đã dạy bé vòng tay, cúi đầu, vâng dạ; khi đi học, trẻ đã được dạy “đi thưa, về chào”; khi ra trường đi làm mọi người cũng học tập lẫn nhau cách thức chào hỏi để gây ấn tượng.
- Tại công sở, những giá trị văn hóa của lời chào được nâng lên như một nghệ thuật trong giao tiếp, nó không chỉ biểu hiện sự tôn trọng những người xung quanh mà là tôn trọng chính mình. Nhưng chào hỏi thế nào cho đúng phép lịch sự? Ai phải chào hỏi trước? Bắt tay như thế nào mới đúng cách? Lời chào hỏi phải thế nào?….Đó là những câu hỏi thông thường và câu trả lời đã được cha ông ta đúc kết thành phép tắc trong xã giao, chào hỏi.
- Thông thường, khi gặp nhau, người phải mở lời chào trước là nam giới; cấp dưới phải chào cấp trên; người trẻ phải chào người già; người mới đến chào người đến trước; người từ bên ngoài vào chào người trong phòng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cấp trên đi vào và cấp dưới nhìn thấy trước thì cấp dưới phải chủ động chào hỏi trước, trịnh trọng thì đứng lên chào, kể cả việc tạm dừng cuộc nói chuyện đang dở dang để chào hỏi cấp trên và nếu nội dung trao đổi có liên quan đến nội dung mời họp thì 01 người nắm được nội dung câu chuyện cần thiết phải tóm tắt sơ bộ những điều đã trao đổi và xin tiếp tục, cũng như sau đó xin bắt đầu cuộc họp.
- Chào hỏi thường đi đôi với cái bắt tay và nụ cười. Bắt tay cũng phải đúng cách. Không nên đưa tay ra bắt khi thủ trưởng, phụ nữ hoặc người lớn chưa chìa tay ra. Khi bắt tay nên nắm chặt tay và không nên bóp, lắc hoặc khoèo ngón tay vào lòng bàn tay người đối diện; không khúm núm khi bắt tay với cấp trên. Trong chào hỏi phải thể hiện sự thân thiện, lời chào nên đi kèm với nụ cười. Nở nụ cười với ai, coi như mình đã gieo được tình cảm với người đó.
- Mở rộng ra, không chỉ khi có quan hệ, làm việc hoặc giao tiếp mới chào hỏi mà tuỳ theo hoàn cảnh gặp gỡ cũng nên mở lời cho phải phép. Khi vào cơ quan nào đó để liên hệ công tác mà từ người bảo vệ đến nhân viên đều mỉm cười, hỏi han và chỉ bảo cặn kẽ thì chắc chắn mọi người đều có thiện cảm với cơ quan đó. Ngược lại, mỗi khi bước vào cơ quan trước tiên chúng ta cũng nên chào hỏi những người bảo vệ, chỉ một nụ cười, một cái gật đầu cũng đã thể hiện được tôn trọng, quan tâm lẫn nhau. Những người đã từng quen biết, khi gặp nhau ở nhà giữ xe hoặc đối diện nhau trên hành lang, lối đi thì cũng nên chào hỏi, nếu không thì cũng mĩm cười chào, thay vì cúi mặt, làm ngơ hoặc giả vờ không nhìn thấy. Nếu trong cơ quan có người không mấy thiện cảm với chúng ta thì chúng ta phải chủ động chào trước nhằm gây thiện cảm với người đó, xua tan sự lạnh nhạt và căng thẳng không đáng có.