Hiện nay, việc thi công công trình phải được thực hiện theo đúng tiến độ đã dự kiến để bảo đảm cho mục đích hoạt động cũng như thời gian được đưa vào sử dụng của công trình đó. Vậy tiến độ thi công là gì? Quản lý tiến độ thi công công trình hiện nay được thực hiện như thế nào?
1. Tiến độ thi công là gì?
Tiến độ thi công được hiểu là tài liệu về kế hoạch xây dựng. Theo đó, tiến độ thi công cần phải được thể hiện chi tiết, cụ thể, mang tính công khai, minh bạch về thời gian và trình tự thực hiện các hoạt động trong xây dựng, thực hiện phù hợp với các phương pháp kỹ thuật- công nghệ được lựa chọn phù hợp với công trình xây dựng đó.
Tiến độ thi công được xác định bao gồm hai phần là tiến độ thi công tổng thể và tiến độ thi công chi tiết. Tiến độ thi công của một công trình được xác định dựa trên tiến độ của các hạng mục, các công việc nhỏ được thực hiện trong xây dựng công trình và được xác định theo từng chủng loại, khối lượng theo bản vẽ thiết kế thi công công trình.
2. Quản lý tiến độ thi công công trình được quy định như thế nào?
Quản lý tiến độ thi công công trình được hiểu là việc giám sát, đôn đốc hoạt động thi công công trình xuyên suốt toàn bộ dự án công trình xây dựng.
Việc quản lý thi công xây dựng được pháp luật được hướng dẫn tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 174/2021/TT-BQP của Bộ Quốc phòng ban hành. Theo đó việc quản lý thi công xây dựng công trình được xác định bao gồm các nội dung như:
– Quản lý về chất lượng thi công xây dựng công trình;
– Quản lý về tiến độ thi công xây dựng công trình;
– Quản lý về khối lượng thi công xây dựng công trình;
– Quản lý về an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình;
– Quản lý về chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thi công;
– Quản lý các nội dung khác theo quy định của hợp đồng xây dựng.
Theo quy định trên thì Quản lý tiến độ thi công công trình là một trong những nội dung của Quản lý thi công xây dựng công trình. Việc quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình được quy định tại Điều 18 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Theo đó việc quản lý này được xác định quản lý trong các công việc cụ thể sau:
– Quản lý tiến độ thi công công trình từ trước khi triển khai thi công xây dựng: Công trình xây dựng trước khi triển khai thi công phải được nhà thầu lập tiến độ thi công xây dựng phù hợp với thời gian thực hiện hợp đồng và tiến độ tổng thể của dự án, được chủ đầu tư chấp thuận;
– Quản lý tiến độ thi công công trình xây dựng có quy mô lớn và thời gian thi công kéo dài: Đối với công trình xây dựng có quy mô lớn và thời gian thi công kéo dài thì tiến độ xây dựng công trình được lập cho từng giai đoạn theo tháng, quý, năm;
– Chủ đầu tư, bộ phận giám sát thi công xây dựng của chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng và các bên có liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát tiến độ thi công xây dựng công trình và điều chỉnh tiến độ trong trường hợp tiến độ thi công xây dựng ở một số giai đoạn bị kéo dài nhưng không được làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án;
– Trường hợp xét thấy tiến độ thi công xây dựng tổng thể của công trình bị kéo dài thì chủ đầu tư có trách nhiệm phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định điều chỉnh tiến độ tổng thể.
3. Trình tự, thủ tục Quản lý tiến độ thi công công trình:
Quản lý tiến độ thi công công trình được đặt ra nhằm đảm bảo việc xây dựng công trình đúng thời hạn được quy định trong dự án xây dựng. Theo đó, việc quản lý tiến độ thi công công trình cần được thực hiện theo trình tự sau:
– Người quản lý tiến độ thi công công trình trực tiếp thực hiện tiếp nhận mặt bằng của công trình thi công xây dựng, thực hiện việc quản lý công trường xây dựng;
– Việc quản lý tiến độ thi công công trình phải bảo đảm quản lý toàn bộ các vật liệu công trình, các sản phẩm xây dựng, thiết bị được dùng cho công trình xây dựng theo yêu cầu công việc được đề ra;
– Quản lý tiến độ thi công công trình phải bảo đảm việc quản lý quá trình thực hiện thi công xây dựng công trình của đơn vị nhà thầu;
– Việc quản lý phải thực hiện việc giám sát thi công xây dựng của chủ đầu tư, kiểm tra tiến độ thực hiện và nghiệm thu công việc trong quá trình tiến hành thi công xây dựng công trình;
– Quản lý tiến độ thi công công trình được thực hiện thông qua việc giám sát người thiết kế của nhà thầu thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình;
– Quản lý trong việc tiến hành kiểm nghiệm, thực hiện thí nghiệm đối chứng, thử nghiệm sức chịu lực của kết cấu công trình và kiểm định chất lượng xây dựng của công trình xây dựng xem có bảo đảm an toàn hay không;
– Quản lý việc nghiệm thu công trình, từng bộ phận công trình theo từng giai đoạn, hạng mục để đưa vào khai thác, sử dụng trên thực tế;
– Đối với các công trình yêu cầu cơ quan nhà nước kiểm tra, sẽ được kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định (nếu có);
– Người quản lý tiến độ thi công công trình có trách nhiệm tiến hành lập và lưu trữ hồ sơ có liên quan để hoàn thành dự án;
– Thực hiện nhiệm vụ cuối cùng là hoàn trả mặt bằng và bàn giao công trình xây dựng theo quy định.
4. Mẫu bảng tiến độ thi công công trình hiện nay:
Hiện nay việc quản lý tiến độ thi công công trình được quản lý hằng ngày thông qua bảng quản lý được lập từ các phần mềm Excel, Word. Việc quản lý thông qua bảng tiến độ giúp cho người quản lý tiến độ thi công theo dõi sát sao được những công việc mà nhân lực thực hiện. Dưới đây là mẫu Bảng tiến độ thi công giúp người quản lý dễ dàng ghi chép và theo dõi hoạt động quản lý:
5. Yêu cầu khi quản lý tiến độ thi công công trình:
Quản lý tiến độ thi công công trình là việc làm đảm bảo không chỉ cho công trình xây dựng xong đúng thời hạn dự kiến mà còn đảm bảo việc thực hiện xây dựng trong quá trình thi công. Theo đó, việc xây dựng muốn bảo đảm chất lượng, ổn định sử dụng lâu dài thì việc quản lý tiến độ thi công công trình phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể sau:
– Phải bảo đảm giám sát việc thi công được thực hiện theo đúng quy định về tiến độ thi công xây dựng công trình. Cụ thể quy định như sau: Quá trình thi công có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của công trình xây dựng nên khi thực hiện quản lý tiến độ thi công cần đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu theo đúng quy định từ trong ra ngoài, từ kết cấu cơ bản đến vấn đề quan trọng của công trình theo đúng vật liệu được lựa chọn và thiết kế;
– Quản lý tiến độ thi công công trình phải đảm bảo đúng thời hạn thi công đã cam kết với chủ đầu tư: Các công việc trong thi công xây dựng công trình đều có thời gian hoàn thành cụ thể được thể hiện trong dự án đầu tư. Khi hoàn thành công trình được triển khai đúng theo kế hoạch hoặc sớm hơn so với kế hoạch có thể giúp cho chủ đầu tư thường sẽ có nhiều thời gian hơn để rà soát, kiểm tra lại công việc thi hành để dự án được hoàn thiện trọn vẹn và hoàn hảo nhất trước khi bàn giao cho chủ đầu tư. Do đó mà việc quản lý tiến độ thi công đảm bảo xây dựng đúng tiến trình là điều vô cùng quan trọng trong mảng xây dựng;
– Sử dụng nhân lực hợp lý trong thi công hợp lý: Việc phân bổ nhân sự cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thi công công trình và chi phí thực hiện công trình. Nhân sự có tay nghề, năng lực tốt nên được lựa chọn từ những khâu làm móng xây dựng, bảo đảm tăng số lượng nhân sự ở giai đoạn đầu của quá trình thi công. Đến giai đoạn cuối, khi đã ổn định và gần hoàn thiện thì có thể cắt giảm bớt số lượng nhân sự làm việc xây dựng để tiết kiệm chi phí xây dựng cho chủ đầu tư;
– Quản lý về dòng tiền vốn vào quản lý tiến độ thi công công trình phải được phân bổ hợp lý: Để tránh tình trạng ứ đọng vốn hoặc phung phí vốn do thi công chậm trễ thì người thực hiện quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình phải đảm bảo theo sát nguồn vốn mà chủ đầu tư cung cấp.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Nghị định số 06/2021/NĐ- CP của Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 1 năm 2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Nguồn trích dẫn: Luật Dương Gia